Hà Nội ngày càng mọc lên nhiều khu đô thị cao tầng, dân số tăng chóng mặt, đường phố thì tắc nghẽn… điều này được các chuyên gia chỉ ra rằng, chúng ta đang “đểnh đoảng” trong quản lý quy hoạch, có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào.
Trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050. Như vậy, mục tiêu là phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư.
Thế nhưng, ngày càng nhiều cao ốc đua nhau mọc lên, rồi điều chỉnh từ tầng thấp lên số tầng cao hơn khá phổ biến… khiến không gian Hà Nội bị “bóp nghẹt”, dân số tăng chóng mặt, đường phố tắc nghẽn nhiều nơi…
Vậy nguyên nhân của thực trạng trên là do đâu?
Không gian Hà Nội ngày càng bị “bóp nghẹt”, dân số tăng chóng mặt, đường phố thì tắc nghẽn… bởi cao ốc “mọc” mỗi ngày một nhiều. Ảnh: Minh Thư |
Trao đổi với PV Infonet, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: “Hiện nay cứ nơi nào “chất” được là “chất” lên, có thể trước đây 20 tầng nhà đầu tư thấy không lãi lắm xin lên 30 tầng, sau một hồi “chạy” cũng được 30 tầng; sau đó không thấy lãi lắm lại “chạy” lên 40 tầng… đó là cách thức điều chỉnh quy hoạch một cách vô lối”.
Ông Võ cho rằng, không thể tiếp tục cách này được, khi một quy hoạch được duyệt có nghĩa là chúng ta đã tính được sức tải không gian của khu vực đó rồi, quá tải là không chịu được.
“Hiện chúng ta đang rất đểnh đoảng về quy hoạch. Đểnh đoảng trong quản lý quy hoạch, còn duyệt quy hoạch thì chúng ta làm tốt, nhưng có điều duyệt quy hoạch xong là điều chỉnh. Bất chấp thực tế, bất chấp những gì đã đặt ra trong yêu cầu duyệt quy hoạch chúng ta lại cho phép thay đổi, chiều theo ý chủ đầu tư như bỏ hồ điều hòa, bỏ sân chơi, tăng thêm nhà ở… tất cả câu chuyện này hiện đang vướng víu và tạo áp lực rất lớn về hạ tầng ở một số khu vực của Hà Nội”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Theo ông, quản lý quy hoạch có nhiều cấp, ai là người có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch thì đó là người phải chịu trách nhiệm cao nhất, bởi quy hoạch lúc đầu có thể rất tốt nhưng sau đó bị điều chỉnh lại không phù hợp.
Chia sẻ tại một cuộc giao lưu trực tuyến mới đây, KTS Trần Huy Ánh trăn trở: “Nhiều lúc tôi tự hỏi bây giờ nghề quy hoạch có cần không? Vì tôi nhớ ngày xưa mỗi lần Hà Nội có vấn đề người ta phê phán quy hoạch. Khi người ta phê phán thì có nghĩa là người ta vẫn còn tin vào quy hoạch, tức là người ta nghĩ quy hoạch là một giải pháp để thành phố tránh khỏi rắc rối. Nhưng bây giờ quy hoạch chẳng là gì cả, có thể sửa bất cứ lúc nào. Cứ cái gì ra tiền thì họ làm, chung cư bán được làm chung cư, bệnh viện ra tiền thì làm bệnh viện… thế thì quy hoạch để làm gì?”.
“Sở Quy hoạch Kiến trúc đang tự hạn chế vai trò của mình khi là người “đẻ” ra các quy hoạch, sau đó lại chính mình đi trình xin sửa các quy hoạch đó mà đôi lúc không có lý luận”, KTS Trần Huy Ánh nói.
Ở góc độ chuyên môn, theo KTS Trần Huy Ánh thì người làm quy hoạch phải đưa ra được một kịch bản quy hoạch để dựa trên đó quy hoạch thành phố phát triển. Tuy nhiên, khi kịch bản đó không thể phát triển được nữa thì lại chữa; nhưng càng chữa thì kịch bản đó càng rối rắm, phức tạp hơn, thậm chí cản trở chính sự phát triển của thành phố.
Ông dẫn chứng, có thể thấy ngay hệ lụy trong vấn đề giao thông khi càng chỉnh sửa quy hoạch thì đường càng tắc. Thậm chí mở rộng đường thì đường lại càng tắc và có những đường vừa mở rộng chỉ trong vòng 1 – 2 năm lại lâm vào cảnh tắc nghẽn. Hay việc Hà Nội ngập lụt nặng nề những năm gần đây cũng chính là do những người quản lý quy hoạch trước đây đã làm không tốt quy hoạch Thủ đô.
“Tác động của quy hoạch rất mờ nhạt và ít giá trị. Những người làm quy hoạch, quản lý quy hoạch theo tôi là chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình”, ông Ánh thẳng thắn nói.
Ngoài ra, theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chúng ta phải có một lộ trình rõ ràng và hợp lý trong chính sách hoán đổi đất từ các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện ở nội đô bằng các khu đô thị, chung cư cao tầng.
“Hiện nay thiếu chính sách rõ ràng đối với việc di dời các trụ sở, các bộ, các bệnh viện trường học lớn ra khỏi trung tâm. Chủ trương di dời là nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng giao thông đô thị nhưng chưa có một lộ trình, kế hoạch rõ ràng bộ ngành nào đi bộ ngành nào không đi? Đất đai để lại dùng vào việc gì…?”, ông Liêm nói.
Theo Infonet